Thị trường điện tại Brasil

Brazil là quốc gia đứng mười thế giới về tiêu dùng năng lượng và thứ nhất tại khu vực Mỹ Latinh. Tuy nhiên quá trình cải cách ngành điện Brazil bắt đầu từ năm 1996, với việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước cao nhất là Uỷ ban quốc gia về năng lượng (CNPE) và Cơ quan Điều tiết điện lực Quốc gia (ANEEL)

Brazil là quốc gia đứng mười thế giới về tiêu dùng năng lượng và thứ nhất tại khu vực Mỹ Latinh. Tuy nhiên quá trình cải cách ngành điện Brazil bắt đầu từ năm 1996, với việc thành lập cơ quan quản lý nhà nước cao nhất là Uỷ ban quốc gia về năng lượng (CNPE) và Cơ quan Điều tiết điện lực Quốc gia (ANEEL). Cơ quan thực thi có Cục Thương mại Điện lực (CCEE) chịu trách nhiệm về vận hành hệ thống điện an toàn với chi phí thấp nhất. Cơ quan thanh tra điện lực độc lập với cơ quan điều tiết điện lực. Cuối cùng là khối phát điện, truyền tải và phân phối điện hoàn toàn được thị trường và tư nhân hoá.

1. Sơ bộ về ngành điện Brazil

1.1. Về nguồn điện: Tính điến cuối 2010, tổng công suất lắp đặt là 108.000MW, sản lượng đạt hơn 500 tỷ kWh. Công suất đỉnh đạt 67.684MW. Có hơn 200 nhà máy điện công suất ≥ 30MW với hơn 1.000 tổ máy của 122 chủ đầu tư. Tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5-6%. Tiềm năng thuỷ điện tại Brazil rất lớn, Tmaxcao (thuỷ điện với 79% tỷ trọng công suất đặt nhưng chiếm hơn 90% về sản lượng). Cơ cấu nguồn điện cụ thể như sau:

 

Công suất Tỷ trọng

Thuỷ điện

85.690 79.3%

Điện hạt nhân

2.007 1.9%

NĐ khí/GNL

9.308 8.6%

NĐ than

1.415 1.3%

Sinh khối (bã mía)

4.577 4.2%

NĐ dầu

4.211 3.9%

NL tái tạo (gió)

826 0.8%

Tổng cộng

108.034 100%

1.2. Về lưới truyền tải điện: Lưới truyền tải phần lớn do tư nhân quản lý và vận hành với 78 chủ đầu tư (công ty), bao gồm cả lưới 1 chiều và xoay chiều, back to back. Tổng chiều dài lưới truyền tải ≥ 230kV là 98.000km. Kết nối lưới điện với các nước Argentina (2,200 MW), Paraguay, Uruguay and Venezuela. Có 2 đường dây 600kV chiều dài 800km nối từ thuỷ điện Itaipu tới São Paulo.

1.3. Lưới phân phối:

- Phần lớn do tư nhân quản lý và vận hành với 86 chủ đầu tư, tổng chiều dài hơn 40.000km, tốc độ tăng trưởng 8,3% năm.

- Giá bán lẻ điện bình quân từ 30-35 US cents/kWh tuỳ thuộc khu vực địa lý và các công ty bán lẻ, trong đó tổng thuế nộp Chính phủ chiếm tỷ lệ 40%.

- Nhà máy thuỷ điện Itaipu (do Brazil và Paraguay hợp tác xây dựng) với công suất 14.000MW, sản lượng hơn 91,6 tỷ kWh năm 2009 là nhà máy thuỷ điện lớn nhất thế giới về sản lượng.

2. Một số công ty điện lực tại Brazil

2.1. Công ty Vận hành Hệ thống điện quốc gia ONS:

ONS là tổ chức tư nhân được thành lập năm 1998, điều hành hệ thống điện toàn quốc gia qua 4 trung tâm. Toàn bộ các thành phần phát điện, truyền tải, phân phối và khách hàng tham gia vào ONS. Đây là tổ chức không có tài sản do các cổ đông uỷ quyền cho họ hoạt động. ONS chịu trách nhiệm trước cơ quan điều tiết, quyền hạn của CBCNV là 728 người (năm 2010). Chi phí hoạt động của ONS lấy 90% từ phí truyền tải điện và hỗ trợ của các thành viên khác 10%. Doanh thu năm 2010 là 366,8 triệu real (tương đương 230 triệu USD). Chi phí được phê duyệt bởi Uỷ ban quốc gia và Cơ quan Điều tiết điện lực Quốc gia.

Luật qui định chức năng nhiệm vụ của ONS gồm 3 chức năng chính là điều độ hệ thống truyền tải, lập kế hoạch và các chương trình vận hành, vận hành thời gian thực. ONS được giao nhiệm vụ soạn thảo qui định về lưới truyền tải và lưới phân phối trình Cơ quan Điều tiết điện lực Quốc gia phê duyệt.

2.2. Công ty Tư vấn điện lực PSR:

PSR là công ty tư nhân, được thành lập năm 1997, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn nghiên cứu, phát triển, phân tích hệ thống điện. Phạm vi hoạt động tại hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Tại Brazil, PSR đã thành công trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn đấu giá các dự án nguồn, lưới điện cho các nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ tư vấn phân tích và tính toán tối ưu vận hành hệ thống cho Công ty Vận hành Hệ thống điện quốc gia.

2.3. Công ty Điện lực CEMIG:

Là một trong những công ty phân phối lớn nhất Brazil với 62 công ty thành viên. CEMIG đã đầu tư giai đoạn 1 Trung tâm đo xa tích hợp với vốn đầu tư 57 triệu USD và sẽ tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo trong thời gian đến 2013. Tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2010 hơn 20% (năm 2003 là trên 25%).

Dự án đo đếm thông minh và giải pháp AMR: mục tiêu của dự án trong kinh doanh bán điện nhằm mục đích giải quyết hai vấn đề chính mà CEMIG đang gặp khó khăn đó là vấn đề xử lý, thu nợ tiền điện và tổn thất thương mại cao, đặc biệt tỷ lệ nợ đọng rất cao (54%). Đáng chú ý là dự án đo đếm thông minh bước đầu thực hiện cũng đã giúp Công ty tiết kiệm được 130 lao động.

Giải pháp kỹ thuật chính cho dự án là sử dụng truyền dữ liệu bằng GPRS, PLC hoặc RF. Theo kinh nghiệm của CEMIG, không nên chỉ dùng một giải pháp kỹ thuật khách hàng (hiện tại, EVN chỉ triển khai rộng công nghệ GPRS, còn các giải pháp còn lại mới triển khai thí điểm);

Về kế hoạch triển khai, dự kiến chia làm nhiều giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2008 đến 2013 triển khai cho toàn bộ khách hàng lớn, khách hàng hạng trung, khách hàng hạ thế có sản lượng sử dụng từ 400 kWh/tháng trở lên. Dự kiến nguồn vốn thực hiện trong giai đoạn này khoảng 57 triệu USD, lấy từ nguồn tự có của CEMIG. Đề nâng cao hiệu quả của dự án, theo kinh nghiệm của CEMIG là nên triển khai trước cho khách hàng có sản lượng lớn, cho các khu vực đang nổi cộm những vấn đề cấp bách cần giải quyết chẳng hạn như vấn đề tổn thất thương mại hoặc thu nợ tiền điện.

2.4. Công ty Điện lực CPFL:

Là một trong những công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực điện lực lớn nhất tại Brazil. CPFL tham gia phát điện, phân phối điện và thương mại dịch vụ, chiếm 13% thị phần phân phối điện tại Brazil. CPFL có 358 khách hàng cao thế, 11.545 khách hàng trung thế và hơn 7 triệu khách hàng hạ thế. Điện thương phẩm năm 2010 đạt 52 tỷ kWh, tỷ lệ TTĐN năm 2010: 11.04%. Doanh thu năm 2010 đạt 3,4 tỷ USD, lợi nhuận đạt 1,6 tỷ USD.

Về ứng dụng công nghệ mới trong công tác chăm sóc và dịch vụ khách hàng: CPFL đã xây dựng xong Trung tâm chăm sóc khách hàng (Call center) với 800 nhân viên phục vụ gần 7 triệu khách hàng, bình quân giải quyết 30.000 yêu cầu/ngày.

Về công tác ghi chỉ số công tơ: CPFL thực hiện ghi chỉ số dưới hình thức thuê một Công ty khách ghi chỉ số công tơ sau đó mới chuyển về Công ty để in hoá đơn và thu tiền điện. Hiện CPFL đang ứng dụng công nghệ ghi, in hoá đơn bằng thiết bị cầm tay (HHU). Tuy nhiên phạm vi ứng dụng công nghệ này chỉ tập trung cho các khu vực người nghèo, người có thu nhập thấp. Đối với giải pháp công tơ thông minh + AMR, Công ty mới đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa áp dụng.

2.5. Công ty Điện lực AMPLA:

AMPLA là công ty phân phối điện lớn nhất tại Bang Rio de Janeiro với 2,7 triệu khách hàng, điện thương phẩm năm 2010 đạt 9,927 tỷ kWh, TTĐN năm 2010: 22%. AMPLA có nhiều giải pháp đọc chỉ số công tơ từ xa và tuyên truyền giáo dục người sử dụng điện nhằm giảm tổn thất điện năng.

Công tác kinh doanh điện năng: hiện tổn thất thương mại của AMPLA rất cao, tập trung chủ yếu tại các khu vực hộ nghèo (có khu vực tổn thất lên tới 35,9%). Hình thức ăn cắp điện chủ yếu tại các khu vực AMPLA quản lý bán điện là hình thức câu móc trực tiếp trên đường dây và can thiệp trực tiếp vào công tơ.

AMPLA đã nhanh chóng nghiên cứu và triển khai các biện pháp phòng chống ăn cắp điện. Các biện pháp phải được thực hiện song song, đó là: (i) Về kỹ thuật: phải xây dựng hệ thống đọc và truyền dữ liệu công tơ từ xa; (ii) Về vấn đề xã hội: tuyên truyền giáo dục người dân trong việc sử dụng điện, hỗ trợ người nghèo thay đổi thiết bị tiết kiệm điện trong nhà. Kinh phí cho công tác tuyên truyền và hỗ trợ năm 2010 là 20 triệu real được trích từ 0,5% phần nộp thuế cho nhà nước (công ty ứng trước và sẽ được duyệt và cấp lại).

Về giải pháp công nghệ đối với hệ thống đọc và truyền dữ liệu công tơ: AMPLA đã và đang triển khai, chủ yếu là công nghệ GPRS, PLC, RF và Winet. Ngoài ra AMPLA còn sử dụng công nghệ đọc dữ liệu công tơ bằng thiết bị cầm tay HHU tại một số khu vực.

+ Đối với công nghệ RF: đã triển khai cho 400.000 khách hàng

+ Đối với công nghệ PLC: đã triển khai cho 120.000 khách hàng

+ Đối với công nghệ GPRS: đã triển khai cho 14.000 khách hàng hạ thế

+ Đối với công nghệ Winet: đã triển khai cho 500 khách hàng

+ Đối với công nghệ HHU: đã triển khai cho 10.000 khách hàng 3 pha có sản lượng sử dụng từ 800kWh trở lên.

3. Bài học kinh nghiệm

3.1. Về giá điện: Braxin có giá điện cao, từ 30-35cent/kWh nên việc đầu tư nguồn và lưới điện đều thuận lợi, thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Giá điện có chính sách bù chéo giữa các hộ nghèo và các hộ giàu. Các công ty kinh doanh phân phối điện không được chiếm thị phần từng khâu quá 25%. Giá điện do Cục quản lý giá của nhà nước kiểm soát, quyết đinh tùy theo từng công ty phân phối điện. Việc đầu tư nguồn được thực hiện theo hình thức đấu giá đầu tư cho các năm trong tương lai. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác tuyên truyền tiết kiệm điện được tính từ 0,5% phần nộp thuế cho Nhà nước (doanh nghiệp điện lực ứng trước sẽ được duyệt và cấp lại).

  Brazil đã xây dựng luật điện lực từ những thập niên 90 của thế kỷ trước và đã hình thành thị trường điện. Nguyên tắc của luật này là tạo ra môi trường kinh doanh, nhà nước chỉ qui định để thu hút được nhiều tư nhân vào các lĩnh vực kinh doanh, tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh bán điện không thống nhất tại các đơn vị phân phối điện.

  3.2. Về thị trường điện: được thực hiện theo các cấp độ:

- Mua buôn (các công ty và doanh nghiệp có nhu cầu mua lớn sẽ mua bán trên thị trường này), mua bán dựa trên chi phí bao gồm cả chi phí cơ hội, nguyên tắc mua bán theo giá từ thấp đến cao.

- Mua bán buôn theo hợp đồng song phương;

- Mua phí trong tương lai theo nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Đối với cơ quan vận hành lưới điện, phí được tính theo từng năm, các công ty bán lẻ cạnh tranh với nhau và bị giới hạn thị phần (không quá 25%) và giới hạn về địa lý (phạm vi cung cấp).

Tại Brazil, một lực lượng lao động chính trong khối kinh doanh điện đều do một công ty (ngoài các công ty điện lực) thực hiện các công việc ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện (có công ty thuê cả trung tâm dịch vụ khách hàng), lực lượng thuê lao động còn lớn hơn lực lượng biên chế chính thức của công ty điện lực. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và quan hệ khách hàng cũng như định hướng phát triển thị trường điện bán lẻ sau này, cần được nghiên cứu và từng bước thực hiện ở Việt Nam.

Thị trường điện lực của Brazil (giai đoạn phát điện cạnh tranh) sau hơn 10 năm mới có đầy đủ các qui trình, quy định hướng dẫn về đầu tư nguồn, lưới điện truyền tải; điều độ hệ thống điện, giá bán điện,… Toàn bộ các khâu của hoạt động điện lực đều được nhân hoá triệt để nhằm tăng tính cạnh tranh, bao gồm cả về điều độ, lưới điện truyền tải đã huy động được vốn đầu tư trong xã hội, kể cả nước ngoài cũng tham gia đầu tư lưới truyền tải (Trung Quốc đã tham gia), giá điện đến người sử dụng rất cao, từ 21 – 25 cent/kWh (nếu tính 40% thuế thì giá từ 30 – 35 cent/kWh), trong khi tỷ trọng trong sản lượng thuỷ điện rất lớn khoảng 90%, giá thành thuỷ điện khoảng 4,3 cent/kWh. Các đơn vị điện tư nhân vẫn có lợi nhuận (tuy có khó khăn trong việc chống tổn thất và thu tiền điện) nhưng hệ lụy rất lớn, đó là: tỷ lệ tổn thất điện năng rất cao từ 25 – 29% (Công ty CEMIG đã đầu tư 700 triệu USD trong 5 năm đến 2010 vẫn còn 20%, chỉ giảm 5%), hiện tượng lấy cắp điện tràn lan kể cả khu trung tâm thành phố. Các hộ dân ngheo và cận nghèo không trả tiền điện, tỷ lệ không thu được tiền điện từ 25-26%. Nhiều khu vực lưới điện trung/hạ thế xuống cấp, chống lấy cắp điện khó khăn nên phải đưa công tơ ra trụ điện và áp dụng công tơ điện đọc từ xa. Những người dân chấp hành tốt về thanh toán tiền điện thì lại phải trả giá điện ngày càng cao. Vấn đề tư nhân hoá và sự quản lý của các cơ quan nhà nước, sự tham gia của các cấp chính quyền cần được nghiên cứu kỹ hơn. Việc đầu tư nguồn điện mới theo nhu cầu của các công ty phân phối điện, tổ chức đấu giá và ký hợp đồng mua bán điện với các công ty phát điện sau khi trúng thầu. Việc đấu giá được tổ chức giữa công ty phân phối điện và công ty phát điện trên thị trường: các công ty phân phối điện đăng ký nhu cầu lên Bộ năng lượng và Mỏ để tổng hợp. Trên cơ sở đó MME giao cho Viện Quy hoạch tổ chức và lựa chọn các nhà đầu tư để tham gia đấu giá.


  • Theo nguồn www.erav.vn